Hiện nay, tuyến trùng phát sinh và gây hại rất nhiều đến dịch tích cây trồng. Hàng năm, tuyến trùng gây thiệt hại khoảng 14% trên tổng thiệt hại của các cây trồng trên toàn thế giới, tương đương với gần 100 tỷ đô la. Trên thực tế cho thấy, rất nhiều nhà vườn còn bỡ ngỡ và lúng túng với việc phòng trừ loại dịch hại này. Vậy nên PyLoAgri sẽ giúp Bà con giải đáp mọi chi tiết về dịch hại này và cũng như các phương pháp để phòng trừ hiệu quả.
Tuyến trùng là gì?
Tuyến trùng là động vật không xương sống, hình dạng giống như giun đất nhưng rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được, chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi. Tuyến trùng rất đa dạng về thành phần loài. Chúng sống ở nhiều môi trường sống khác nhau và rất linh hoạt biến đổi theo sự thay đổi của môi trường sống.
Việc phân loại tuyến trùng tương đối phức tạp chủ yếu dựa vào đặc điểm hình thái của chúng. Trong nông nghiệp chúng được chia ra làm hai loại là: nhóm tuyến trùng có lợi (nhóm sử dụng nấm, vi khuẩn làm dinh dưỡng) và tuyến trùng có hại (nhóm tuyến trùng ký sinh rễ thực vật).
Dựa vào phần miệng của tuyến trùng người ta chia ra thành 5 nhóm:
a. Bacterophagous: sử dụng vi khuẩn làm nguồn dinh dưỡng chính.
b. Fungiphagous: sử dụng nấm làm nguồn dinh dưỡng chính.
c. Herviphagous: ký sinh trên thực vật để hút chất dinh dưỡng.
d. Predator: sử dụng chủ yếu là nguồn đạm động vật.
e. Omiphagous: tuyến trùng ăn tạp, có đời sống phức tạp và linh hoạt biến đổi kiểu dinh dưỡng.
Trong thời gian gần đây với công nghệ tiên tiến người ta đã áp dụng các phương pháp sinh học phân tử để có thể định danh tuyến trùng một cách chính xác nhất.
Đặc điểm của tuyến trùng
Do kích thước chỉ từ 0,5 – 2 mm nên thông thường rất khó có thể quan sát thấy bằng mắt thường sự hiện diện của chúng mà phải có sự hỗ trợ thông qua kính hiển vi.
Tuyến trùng tồn tại và sinh trưởng phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố: độ ẩm đất trồng, lượng rễ cây, kết cấu đất, độ pH và hàm lượng oxy trong đất,… Tuyến trùng ký sinh rễ cây không chỉ gây hại một loại cây trồng nhất định, chúng tấn công rất nhiều loại cây trồng và gây hại rất nghiêm trọng. Chúng thường gây hại mạnh ở môi trường đất canh tác lâu năm, vùng có độ pH thấp. Đặc biệt ở những vùng đất canh tác nếu không được xử lý tốt và không luân phiên cây trồng trước khi tác canh tác thường bị tuyến trùng gây hại nặng và hầu như cây không phát triển được, thường có dấu hiện vàng lá và chết sau một thời gian.
Trong đất bao giờ cũng tồn tại sự hiện diện của tuyến trùng. Trứng của tuyến trùng có thể “ngủ” từ 1 đến 2 năm khi môi trường bất lợi. Khi môi trường thuận lợi chúng sẽ chui ra ngoài để sinh trưởng và gây hại cây trồng. Trứng tuyến trùng nằm trong bọc trứng được bảo vệ rất chắc chắn bằng cỏ cấu tạo có lớp chitine và hầu như thuốc bảo vệ thực vật không xâm nhập được qua lớp vỏ trứng này để tiêu diệt được trứng tuyến trùng. Chỉ một số vi sinh vật tiết enzyme chitinase mới có khả năng phân giải được lớp vỏ bọc chắc chắn đấy của tuyến trùng.
Tác hại của tuyến trùng
Tuyến trùng ký sinh rễ cây không chỉ gây hại một loại cây trồng nhất định mà chúng tấn công rất nhiều loại cây trồng và gây hại rất nghiêm trọng. Tuyến trùng gây hại cây trồng bằng cách ký sinh vào trong rễ, chích hút các tế bào trong rễ, phá hủy tế bào rễ, làm cản trở hoặc mất khả năng hút nước, dinh dưỡng của rễ do đó làm cây vàng lá, thối rễ, sinh trưởng kém hoặc nghiêm trọng hơn là chết cây.
Sau khi xâm nhập vào rễ, tuyến trùng di chuyển giữa các tế bào vỏ rễ để đến vùng kéo dài của rễ, tế bào bị tách dọc ra, sau đó tuyến trùng cư trú tại vùng mô phân sinh của vỏ rễ và bắt đầu quá trình sinh trưởng. Để lấy dinh dưỡng, tuyến trùng cắm phần đầu vào các tế bào mô mạch của rễ, tiết enzyme tiêu hóa làm cho quá trình sinh lý, sinh hóa của mô rễ thay đổi và hình thành các điểm dinh dưỡng cho tuyến trùng. Việc chích hút hoặc chui vào trong tế bào của tuyến trùng làm cho rễ cây phình ra, tạo thành các khối u (bướu rễ). Chính vì rễ bị tổn thương đã làm cho cây phát triển còi cọc, nhanh khô héo và chết. Ngoài ra những vết chích đó cũng đã “mở đường” cho các mầm bệnh xâm nhập và gây hại ở cây trồng.
Các kiểu ký sinh gây hại của tuyến trùng
Nội ký sinh: Bao gồm những tuyến trùng chui vào rễ, nằm bên trong và chích hút tế bào trong rễ. Hình thức này làm cho các tế bào rễ trương phình, gây ra những nốt sần trên rễ nên người ta còn gọi nhóm tuyến trùng này là tuyến trùng nốt sần.
Ngoại ký sinh: Tuyến trùng di chuyển bên ngoài môi trường đất và nước, khi cần thiết sẽ sử dụng kim chích vào rễ nhưng không chui hẳn vào bên trong rễ. Nhóm tuyến trùng này còn được gọi là tuyến trùng gây thối nhũng.
Bán nội ký sinh: Tuyến trùng chỉ chui một phần cơ thể (thường là phần đầu) vào bên trong rễ, phần còn lại vẫn ở ngoài môi trường.
Biểu hiện của cây trồng khi bị tuyến trùng tấn công
Vì tuyến trùng không thể phát hiện được bằng mắt thường nên việc quan sát và phát hiện được chúng gặp nhiều khó khăn. Tuyến trùng tấn công trực tiếp vào bộ phận rễ của cây trồng. Khiến rễ cây bị phình lên, tắc nghẽn và dần bị thối rữa. Tuy nhiên đến khi đào rễ lên và phát hiện ra những biểu hiện này trên rễ cây thì đã quá muộn. Điều quan trong là các biểu hiện này sẽ không đồng đều trên cả vườn vì mật độ tuyến trùng phân bố trong vườn là khác nhau. Vì thế chúng ta có thể nhận biết cây trồng đã bị tuyến trùng tấn công thông qua một số biểu hiện ban đầu như:
- Cây héo úa, kém phát triển, thiếu sức sống.
- Vì sự ký sinh của tuyến trùng gây cản trở quá trình hấp thu nước và chất dinh dưỡng của rễ nên một số trường hợp sẽ thấy ở cây bị xoắn lá, vàng lá, rụng lá sớm hay chết mầm.
- Chúng thường không gây ra chết cây ngay nhưng làm cho cây trồng không thể phát triển bình thường được. Và triệu chứng cũng có thể không đồng đều trên toàn vườn do mật độ phân bỏ tuyến trùng.
- Khi ký sinh, tuyến trùng tạo ra các vết thương trên cây, gián tiếp “mở đường” cho các vi sinh vật khác xâm nhập dễ dàng hơn, khả năng cây bệnh cao hơn thậm chí là truyền virus gây bệnh cho cây. Có thể nói rằng tuyến trùng là nền tảng dẫn đến các loại bệnh hại khác trên cây trồng theo nguyên lý cây yếu – hệ miễn dịch của cây yếu dẫn đến khộng thể kháng lại các lại bệnh hại khác.
Biện pháp phòng trừ
- Áp dụng biện pháp xen canh, luân canh cây trồng. Để ngăn ngừa sự lây lan và phát triển của tuyến trùng có thể lựa chọn giống sạch bệnh.
- Kiểm tra nguồn đất bổ sung, đảm bảo nguồn đất mới không bị nhiễm tuyến trùng.
- Nguồn nước tưới đảm bảo không chảy từ nguồn nhiễm bệnh xung quanh. Tạo điều kiện thông thoáng cho vườn, tạo các rãnh thoát nước tốt để sau khi mưa tránh tình trạng nước chảy tràn sẽ vô tình làm lây lan mầm bệnh ra khắp diện tích vườn.
- Đối với mẫu bệnh tại vườn, sau khi xử lý cây nhiễm bệnh cần được đem đi đốt bỏ. Không nên vứt cây bệnh hay rễ bệnh vào nguồn nước tưới để tránh gây lây lan mầm bệnh.
- Không dọn sạch hết cỏ trong vườn nhằm phân tác, giảm bớt mật độ tuyến trùng tấn công vào cây “mục tiêu”.
Biện pháp canh tác
- Sử dụng cân đối lượng phân bón cũng như nước tưới hợp lý, hạn chế tưới tràn… Nhằm tạo điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi để tuyến trùng có thể phát triển.
- Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ được ủ hoai mục bằng chế phẩm nấm Trichoderma có tác dụng đối kháng với tuyến trùng và các loại nấm bệnh gây hại.
- Vệ sinh vườn, khử trùng và vệ sinh sạch các nông cụ. Thường xuyên kiểm tra và theo dõi vườn để sớm phát hiện ra các dấu hiệu bất thường ở cây trồng và có các biện pháp xử lý kịp thời tránh để hậu quả nghiêm trọng.
- Không sử dụng quá nhiều phân hóa học đa lượng để thúc cây lớn nhanh mà cần bổ sung các dinh dưỡng trung và vi lượng cần thiết cho cây trồng để nâng cao sức đề kháng.
- Kiểm tra pH định kỳ, nhất là với cây ăn quả để có cách xử lý kịp thời sao cho đất trồng không bị chua. Vì khi pH thấp (đất chua) sẽ là tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tuyến trùng sinh trưởng và phát triển.
Biện pháp sinh học
Để phòng trừ, hạn chế tối đa việc tuyến trùng gây hại cho cây trồng quan trọng nhất là cung cấp nhiều phân hữu cơ cho đất giúp các vi sinh vật có lợi phát triển, từ đó tạo cơ sở để phát triển ức chế được sự bùng phát của tuyến trùng, giúp ổn định độ pH.
Phục hồi hệ rễ và cân bằng lại hệ vi sinh vật trong môi trường đất trồng bằng các sản phẩm vi sinh như chế phẩm nấm Trichoderma hay phân bón vi sinh PyLo 07 với công dụng bổ sung các nấm có lợi cực mạnh, kiểm soát tuyến trùng hại rễ, phòng ngừa nấm bệnh và tuyến trùng tấn công rễ, đồng thời giúp cây mau chóng phục hồi và phát triển trở lại.
4 lợi ích của biện pháp kiểm soát sinh học
- Kiểm soát tuyến trùng bằng biện pháp sinh học mang lại hiệu quả cao, thân thiện môi trường
- Bảo vệ, duy trì phát triển hệ vi sinh vật có ích và trùn đất.
- Nông sản sau thu hoạch không chứa dư lượng hóa chất độc hại, an toàn cho người sử dụng.
- Sử dụng phương pháp sinh học để kiểm soát tuyến trùng hướng tới một nền nông nghiệp BỀN VỮNG – XANH SẠCH – AN TOÀN.
Tuyến trùng là một nhóm động vật phổ biến và phức tạp, là một trong những tác nhân chính “mở đường” cho nguồn bệnh hại có cơ hội xâm nhập vào cây trồng. Vì vậy cần phải có nhiều biện pháp để có thể khống chế và kiểm soát mật độ tuyến trùng ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, với đặc điểm hình thái siêu nhỏ cùng với khả năng sinh tồn mãnh liệt của tuyến trùng khiến việc phòng trừ tuyến trùng còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, phòng trừ cũng như phát hiện sớm tuyến trùng và phát triển các phương pháp, chế phẩm đặc hiệu trong phòng trừ tuyến trùng hiệu quả là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về cách phòng trừ tuyến trùng gây hại ở cây trồng hoặc các vấn đề về sâu bệnh khác trên cây trồng, Bà con vui lòng liên hệ theo các thông tin sau, đội ngũ chuyên viên của PyLoAgri sẽ hỗ trợ tư hoàn toàn miễn phí:
PyLoAgri – Nông Nghiệp Thuận Tự Nhiên
Hotline: 091 411 86 61
Email: info@PyLoAgri.com
Fanpage: Pyloagri – Nông Nghiệp Thuận Tự Nhiên
Địa chỉ: Số 22, Đường 34, Phường An Phú, Quận 2, Tp. HCM
Nguồn: PyLoAgri.com